Nhân viên môi trường làm gì? Kỹ sư môi trường làm gì?

- I. Kỹ sư môi trường - Kỹ sư thiết kế
- II. Kỹ sư môi trường - Phụ trách thi công
- III. Kỹ sư vận hành hệ thống xử lý nước thải, khí thải
- IV. Kỹ sư HSE
- V. Nhân viên tư vấn môi trường
- VI. Nhân viên quan trắc môi trường
- VII. Cán bộ nghiên cứu khoa học
- VIII. Nhân viên kinh doanh ngành môi trường
- IX. Thẩm định dự án trong các cơ quan nhà nước
- X. Nghiên cứu giảng dạy tại các trường, khoa, viện, trung tâm nghiên cứu và đào tạo chuyên ngành
- TÓM LẠI, CÁC NHÀ MÔI TRƯỜNG CÓ THỂ LÀM VIỆC Ở ĐÂU?
- Kinh nghiệm các bước đi đối với sinh viên môi trường
- Các câu hỏi thường được hỏi khi phỏng vấn:
"Kỹ sư môi trường làm gì", "Nhân viên môi trường làm gì", “Cũng không biết làm gì nữa”, “Chắc sẽ làm trái ngành”, “Xin được việc gì làm việc đấy”, “Không thất nghiệp là tốt rồi”…đó là những câu hỏi và câu trả lời của rất nhiều bạn sinh viên học ngành môi trường khi được hỏi “Sau khi ra trường sẽ làm gì? Ở đâu?”
Nhân viên tư vấn môi trường -Nguồn ảnh tổng hợp trên internet
Hầu hết các bạn đều rất lúng túng và không biết mình sẽ làm gì trừ một số ít những bạn đã tự định hướng hoặc được người thân định hướng từ trước. Việc mù mờ thông tin về ngành học, không tìm hiểu kỹ, dẫn đến không biết gì về nó nhưng vẫn đâm đầu vào học, để rồi vừa học vừa hoang mang về việc làm sau khi ra trường.
Dù là tư vấn môi trường hay kỹ sư môi trường thì đều phải am hiểu về các quy trình Xử lý nước thải và Xử lý khí thải để hoàn thiện các báo cáo cho phù hợp
Hơn nữa cũng còn nhiều bạn khá mơ mộng khi nghĩ về công việc mà mình sẽ làm trong tương lai, những viễn cảnh mặc áo blu trắng, tay ống nghiệm, tay kính hiển vi, hay kỹ sư môi trường được “chỉ đạo” cấp dưới lắp cái này cái kia… sẽ không xảy ra, ít nhất là lúc bạn mới ra trường. Trừ khi là bạn quá xuất sắc và có các đơn vị sẵn sàng trải thảm để mời bạn về, nhưng con số đó là cực kỳ ít ỏi.
Để tránh bị “ảo tưởng” về nghề nghiệp trong tương lai, hôm nay mình sẽ chia sẻ với các bạn tất cả các vấn đề về công việc liên quan đến ngành môi trường.
Giải đáp cho các bạn các thắc mắc chính nhân viên môi trường làm gì? Kỹ sư môi trường làm gì?
I. Kỹ sư môi trường - Kỹ sư thiết kế
Công việc đầu tiên khi nhắc đến ngành môi trường, hẳn các bạn sẽ nghĩ ngay đến việc sẽ trở thành kỹ sư môi trường trong các công ty về môi trường. Tại đây, bạn sẽ phải nghiên cứu những công nghệ, thiết bị, máy móc v.v... giúp xử lý các vấn đề môi trường hoặc tư vấn, thiết kế, thi công, lắp đặt những công trình có liên quan đến môi trường v.v...
Công việc của kỹ sư thiết kế sẽ là cơ sở cho các kỹ sư công nghệ tạo ra thành phẩm. Ưu điểm lớn nhất của kỹ sư tư vấn thiết kế là được làm việc ở các trung tâm, ít phải đi xa và luân chuyển theo công trình như kỹ sư giám sát. Trung bình, mỗi năm các kỹ sư thiết kế chỉ phải đi từ 1 đến 2 tháng. Trừ khi đảm nhận những dự án lớn thì phải đi lâu hơn, thậm chí phải thường trực ở công trình. Bởi, các công trình lớn thường xuyên thay đổi các chi tiết nên luôn cần 1 – 2 kỹ sư thường trực để chỉnh sửa thiết kế khi có thể.
Vậy kỹ sư môi trường làm gì?
- Lấy yêu cầu; khảo sát, thu thập thông tin (mặt bằng, công suất, thành phần chất thải, quy trình sản xuất, nguồn xả đầu ra,…);
- Phân tích dữ liệu, xây dựng phương án công nghệ;
- Đề xuất phương án kỹ thuật, xây dựng phương án công nghệ, tính toán và triển khai thiết kế các dự án về xử lý nước cấp/nước thải.
- Báo giá, lập khái toán cho dự án, tham gia lập hồ sơ dự thầu phần công nghệ nước cấp/nước thải.
- Tính toán, thiết lập tạo bộ hồ sơ thiết kế cơ sở, hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công các dự án về xử lý nước cấp/nước thải.
- Khái toán được các thiết bị chính và bóc khối lượng vật tư phụ kiện
- Tư vấn về công nghệ, đường ống, thiết bị.
- Thiết kế chi tiết thi công hệ thống xử lý nước cấp, xử lý nước thải. (bao gồm các bản vẽ, sơ đồ, bảng biểu, lưu đồ…có khi tập bản vẽ gồm 500 – 1000 tờ A2, A3);
- Phác thảo được tiến độ thi công và quá trình vận hành.
- Thực hiện Hồ sơ thầu, dự toán, báo giá.
Yêu cầu về kỹ năng:
- Đây là công việc thích hợp với những ai cần cù, chịu khó, có tính cách cẩn thận, tỉ mỉ và chính xác.
- Ngoài ra, kỹ sư thiết kế môi trường cũng đòi hỏi trí sáng tạo, tưởng tượng và một kiến thức tổng quan về ngành môi trường thật vững.
- Bạn phải nắm chắc chuyên môn, am hiểu thi công, am hiểu thiết kế, biết cách quản lý dự án và tính toán trên các hạng mục.
- Giao tiếp tốt và năng lực thuyết trình cũng là yêu cầu không thể thiếu nếu bạn muốn thuyết phục nhà đầu tư tin vào bản vẽ và dự án thiết kế mà mình dày công sáng tạo.
- Thành thạo Word, Excel, Auto Cad và các phần mềm chuyên ngành.
- Có khả năng làm việc nhóm, làm việc độc lập, sẵn sàng chịu được áp lực công việc cao, có trách nhiệm.
- Để làm tốt được vai trò làm kỹ sư thiết kế, xem thêm bài viết Các quy trình xử lý nước thải công nghiệp
Học vấn:
- Tốt nghiệp chuyên ngành môi trường.
- Các bạn sẽ phải thành thạo về vẽ kỹ thuật, vẽ họa hình. Đây là những kiến thức cần thiết để phục vụ cho công việc tư vấn thiết kế, nó đáp ứng 60% - 70% yêu cầu đặt ra. Muốn làm tốt mảng việc này, bạn cần rèn luyện nhiều hơn nữa kỹ năng vẽ, tư duy tính toán và cách sử dụng các phần mềm thiết kế.
- Để có thể làm một kỹ sư thiết kế tài năng, còn phải am hiểu về Các phương pháp xử lý khí thải
II. Kỹ sư môi trường - Phụ trách thi công
Ngoài ra, với kiến thức chuyên môn về môi trường, bạn có thể tới làm việc tại các nhà máy, xí nghiệp khác, tham gia trực tiếp vào việc thi công, chuyển giao công nghệ, vận hành và giám sát các quy trình công nghệ cũng như xử lý các vấn đề môi trường phát sinh...
Kỹ sư môi trường giám sát thi công hệ thống xử lý nước thải
Vậy công việc cụ thể của một kỹ sư môi trường giám sát thi công là gì?
- - Giám sát thi công các công việc tại công trình như: thi công xây dựng, thi công lắp đặt thiết bị
- - Theo dõi tiến độ công trình theo hợp đồng, xử lý kịp thời các vướng mắc, sự cố xảy ra tại công trình.
- - Đọc bản vẽ, bóc tách khối lượng công trình và chuẩn bị vật tư thi công;
- - Thiết kế biện pháp thi công, tiến độ thực hiện, báo cáo và giải trình công việc mình phụ trách.
- - Chỉ đạo, quản lý và trực tiếp thi công lắp đặt các hệ thống xử lý nước cấp, nước thải, khí thải; kiểm tra giám sát chất lượng, tiến độ thi công.
- - Tham gia vận hành chạy thử, đào tạo chuyển giao công nghệ, hướng dẫn vận hành, chuyển giao công nghệ và bảo trì bảo dưỡng sau này.
- - Lập hồ sơ nghiệm thu công trình, hồ sơ hoàn công với chủ đầu tư hoặc tổng thầu, hồ sơ trình cơ quan có thẩm quyền xin giấy phép xả thải.
- Để trở thành kỹ sư môi trường cần đáp ứng những yêu cầu gì về kỹ năng và học vấn?
Kỹ năng:
- - Công việc của kỹ sư môi trường rất đa dạng, vì thế nó yêu cầu rất nhiều kỹ năng như: kiến thức về thiết kế, phát triển, bảo vệ môi trường, quan hệ xã hội, giao tiếp ứng xử...
- - Các kỹ sư môi trường phải có kỹ năng viết tốt vì viết báo cáo chiếm vai trò quan trọng trong công việc của họ. Ngoài ra, họ còn phải là người trình bày hấp dẫn để diễn giải về các thông tin kỹ thuật.
- - Sử dụng thành thạo Auto card (2D) là yêu cầu bắt buộc, biết làm dự toán trên các phần mềm chuyên dụng khác.
- - Biết sử dụng và có kinh nghiệm trong việc sử dụng phầm mềm revit
- - Am hiểu công nghệ XLMT, hệ thống XLCT, khí thải,…
Học vấn:
- Nghề này đòi hỏi phải có được các bằng cấp trong các lĩnh vực sau: kỹ sư môi trường, an toàn kỹ thuật
Các yêu cầu khác
Ngoài những yêu cầu “cần” ở trên, còn có các yêu cầu sau để “đủ” đối với các nhà tuyển dụng:
- - Có tác phong cẩn thận, chặt chẽ và có tính kỷ luật cao.
- - Tiếng Anh đọc hiểu kỹ thuật chuyên ngành tùy từng công ty
- - Có thể đi công trình theo yêu cầu công việc
- - Trung thực, năng động, nhiệt tình và gắn bó lâu dài với công ty
- - Nói chung, nghề này thích hợp cho những người có tư tưởng hướng ngoại.
Kỹ sư thi công ngoài kiến thức chuyên môn cần có những kĩ năng khác nữa như cách quản lý trong công việc cũng như xây dựng khả năng liên kết các ý tưởng của các đồng nghiệp trong nhóm công ty, dự án để đưa ra các giải pháp kĩ thuật tài chính quản lý tốt nhất cho công việc...
III. Kỹ sư vận hành hệ thống xử lý nước thải, khí thải
Đây là công việc các bạn nên trải nghiệm để có thể làm tốt công việc thiết kế. Nếu như thiết kế mà không có hiểu biết thực tế thì hệ thống trên giấy không thể áp dụng để xử lý được vấn đề môi trường mà doanh nghiệp đặt ra. Thi công và vận hành giữ vai trò phản hồi để bộ phận thiết kế nghiên cứu sao cho chi phí lắp đặt thiết bị, chi phí vận hành tiết kiệm mà vẫn đảm bảo công nghệ tối ưu.
Kỹ sư vận hành hệ thống xử lý nước thải - Công tác nuôi cấy bổ sung bùn vi sinh
Công việc vận hành yêu cầu bạn phải dành khoảng 2 tuần để làm quen với công nghệ khi mới bắt đầu và không ngừng học tập công nghệ mới bởi mỗi công trình có quá trình hoạt động riêng, có nguồn thải đầu vào khác nhau và công nghệ thì không ngừng thay đổi. Mặc dù đã được học trong chương trình nhưng bạn sẽ cảm thấy choáng khi nhìn thấy công trình “to đùng”, công suất đạt 3.000 m3/ngày đêm với vô số các thiết bị (ống nước, van, bơm,…). Và thật thú vị khi để vận hành được hệ thống, bạn chỉ cần thao tác được với một tủ điện điều khiển. Mảng công việc này phù hợp với các bạn nam hơn bởi yêu cầu phải thao tác trên tầng cao, dưới hố sâu, mang vác vật nặng (dù có máy móc hỗ trợ nhưng vẫn khá vất vả).
>>> Tìm hiểu các phương pháp xử lý nitơ trong nước thải để có được lợi thế rất lớn khi hoạt động trong ngành nhé
Các công việc cụ thể của một nhân viên vận hành công trình môi trường:
- - Trực tiếp thực hiện công tác vận hành và bảo trì hệ thống xử lý nước thải, đảm bảo chất lượng nước đầu ra đạt tiêu chuẩn trước khi xả thải ra hệ thống thoát nước.
- - Thực hiện kiểm tra và khắc phục tình trạng thiết bị theo danh mục công việc (checklist) tại khu vực xử lý nước thải hàng ngày nhằm phát hiện kịp thời các hư hỏng tiềm ẩn, đảm bảo các thông số của quá trình xử lý nước được kiểm soát cũng như đảm bảo sự hoạt động của máy móc không bị gián đoạn.
- - Luôn luôn giám sát và báo cáo kịp thời, đầy đủ và chính xác tình hình hoạt động của máy móc lên bộ phận kỹ thuật hoặc giám sát môi trường khi có sự cố phát sinh để kịp thời khắc phục.
- - Lấy mẫu và phân tích các mẫu nước thải, nước cấp trong hệ thống và có những hiệu chỉnh kịp thời nhằm tối ưu hóa hiệu quả xử lý của từng công đoạn và đặc biệt là duy trì sự phát triển ổn định của vi sinh vật. Thay vi sinh theo chỉ đạo của cấp trên.
- - Kiểm tra thông số đầu vào theo tần suất quy định, kiểm tra sự an toàn của máy móc và các trang thiết bị cần thiết trước khi vận hành
- - Pha chế hóa chất cho việc vận hành toàn bộ hệ thống xử lý nước thải, hệ thống xử lý nước cấp… Thống kê ghi chép lượng hóa chất sử dụng vào nhật ký vận hành hàng ngày.
- - Kiểm tra định kỳ hàng tuần, hàng tháng và tình trạng thiết bị và thực hiện các báo cáo có liên quan.
- - Khắc phục xử lý sự cố liên quan đến công tác vận hành,
- - Đề xuất các vật tư, phụ tùng thay thế kịp thời cho các thiết bị xử lý nước thải.
- - Kiểm tra thông số đầu vào theo tần suất quy định, GMP, kiểm tra sự an toàn của máy móc và các trang thiết bị cần thiết trước khi vận hành
- - Thu gom bùn thải, dầu mỡ từ các công đoạn xử lý; làm vệ sinh các bồn bể, máy móc thiết bị, hệ thống, khu vực làm việc theo kế hoạch, đảm bảo rằng toàn bộ hệ thống luôn gọn gàng sạch sẽ
- - Nhận bàn giao ca và kiểm tra số vận hành về tất cả các thông số có liên quan đên bộ phận xử lý nước thải.
Kỹ năng:
- - Để làm được công việc thi công và vận hành công trình môi trường, bạn cần đọc được bản vẽ thiết kế, biết sử dụng phần mềm AutoCad
- - Kỹ năng vi tính cơ bản (Word, Excel)
- - Kỹ năng nhanh nhạy phân tích vấn đề, có khả năng giải quyết vấn đề.
- - Có sức khỏe và chấp nhận đi công tác thường xuyên
Học vấn:
- Tốt nghiệp các ngành liên quan đến kỹ thuật môi trường
IV. Kỹ sư HSE
Tuy là ngành không được đào tạo rộng khắp tại Việt Nam nhưng kỹ sư tốt nghiệp chuyên ngành Kỹ sư môi trường và Kỹ sư BHLĐ được trang bị đầy đủ kiến thức và kỹ năng, chỉ cần tìm hiểu thêm một số kiến thức liên quan khác đều hoàn toàn có khả năng đảm nhận vị trí công việc này.
Để làm một kỹ sư HSE, bạn phải hiểu rõ các kiến thức pháp luật liên quan đến người lao động, an toàn lao động, quyền lợi và trách nhiệm người lao động về an toàn lao động, tai nạn lao động, những quy định về môi trường,…
Kỹ sư giám sát an toàn môi trường tại công trường, nhà máy
Các công việc chính của kỹ sư HSE
- - Theo dõi, đảm bảo bản đánh giá rủi ro về an toàn của Công ty luôn phù hợp với sự sửa đổi bổ sung của luật định, sự thay đổi chức năng nhiệm vụ của Công ty, trang thiết bị sản xuất, tài sản mới xuất hiện; thực hiện công tác huấn luyện, đào tạo để phòng ngừa những rủi ro, nguy hiểm mới xuất hiện.
- - Thống kê các số liệu về an toàn theo quy định của Công ty (HSE Statistics), cung cấp các số liệu khi có yêu cầu.
- - Tổng hợp và lập báo cáo thống kê định kỳ báo cáo mối nguy (Hazob Card, Care Card..);
- - Theo dõi, thu thập số liệu để lập báo cáo công tác Bảo hộ lao động của Công ty theo quy định.
- - Kiểm tra và lập báo cáo tình trạng trang thiết bị an toàn, thiết bị phòng cháy chữa cháy trên các phương tiện, cơ sở sản xuất và văn phòng theo quy định; đề xuất bổ sung thay thế trang thiết bị an toàn.
- - Theo dõi công tác kiểm định các thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn; phối hợp với phòng Kỹ thuật trong công tác kiểm định.
- - Hỗ trợ các đơn vị trong Công ty lập phiếu phân tích an toàn công việc.
- - Trực tiếp giám sát công tác tuân thủ các quy định HSE đối với các hoạt động sản xuất của của Công ty, đào tạo an toàn cho công nhân tại dự án.
- - Hướng dẫn an toàn cho người lao động trước khi nhận việc hoặc trước khi làm việc trên công trường.
- - Tham gia kiểm tra an toàn khi được phân công, kiểm tra điều kiện làm việc phù hợp với yêu cầu an toàn.
- - Tham gia chuẩn bị các tài liệu HSE trong giai đoạn đấu thầu và triển khai dự án đối với các dự án được phân công.
- - Tham gia kiểm tra an toàn định kỳ các đơn vị thuộc Công ty, lập báo cáo theo quy định và theo dõi hành động khắc phục phòng ngừa thích hợp.
- - Góp phần phát triển và duy trì văn hóa sức khỏe và an toàn tại nơi làm việc.
- - Đề xuất các biện pháp cải thiện điều kiện an toàn
- - Góp phần báo cáo, điều tra, theo dõi tai nạn và sự cố; Vai trò ứng phó khẩn cấp
- - Phụ trách công tác ATLĐ, PCCC của nhà máy;
Kỹ năng:
- - Có kỹ năng phân tích nguyên nhân: một sự cố, tình huống tai nạn xảy ra, yêu cầu đầu tiên và quan trọng nhất là phải phân tích và xác định nguyên nhân một cách nhanh chóng và chính xác, từ đó đưa ra biện pháp giải quyết tức thì, đồng thời đánh giá tính hiệu quả của biện pháp đó để áp dụng phòng ngừa, giải quyết trong tương lai.
- - Có kỹ năng đào tạo: công việc của bạn là đảm bảo an toàn lao động, sức khỏe lao động và môi trường. Vì vậy, việc hướng dẫn, đào tạo người lao động hiểu và thực hiện các biện pháp an toàn lao động, các biện pháp phòng tránh là cực kì cần thiết. Có kỹ năng đào tạo, quá trình truyền đạt của bạn sẽ trôi chảy và hiệu quả hơn.
- - Có kỹ năng sử dụng máy tính tốt như: AutoCAD, Excel & Words, MS project.
- - Hiểu biết về ISO
Học vấn:
- Tốt nghiệp khoa cơ khí, môi trường, an toàn lao động; học thêm các chứng chỉ an toàn lao động.
- Nắm vững các kiến thức về các quy định trong tiêu chuẩn quốc tế, cụ thể là ISO 14001. Tức là nắm: yêu cầu tiêu chuẩn cụ thể, đánh giá được các lổ hổng trong hệ thống và đề xuất khắc phục, các phương pháp đánh giá tác động môi trường, đánh giá rủi ro,…
V. Nhân viên tư vấn môi trường
Xem thêm tại bài viết Nhân viên tư vấn môi trường là làm gì đã tổng hợp đầy đủ nhất về công việc, kỹ năng và các kiến thức cần phải học hỏi để trở thành một nhân viên tư vấn môi trường xuất sắc.
VI. Nhân viên quan trắc môi trường
Điều quan trọng nhất khi bước vào nghề quan trắc viên môi trường là phải xác định đây là công việc đầy những khó khăn, vất vả, và những chuyến công tác dài ngày và rất xa nhà sẽ trở thành một phần không thể thiếu.
Nhân viên quan trắc môi trường chuẩn bị đi hiện trường
Ngành này được ví như người bác sỹ “bắt mạch” môi trường, bởi để đánh giá được chất lượng môi trường thì đều phải qua kết quả quan trắc, phân tích môi trường. Nghề quan trắc dù ở vị trí nào cũng có những gian nan, vất vả riêng.
Trong mỗi chuyến đi quan trắc, quan trọng nhất là khâu chuẩn bị máy móc, thiết bị, từ các loại máy đo phù hợp cho đến những thứ rất dễ quên như pin, chai, lọ, túi ni lông, dây điện... Các điểm quan trắc chủ yếu đều ở vùng xâu, vùng xa, đa phần cách xa khu dân cư nên nếu “lỡ quên” thiết bị nào, dù nhỏ đều rất khó để bổ sung, ảnh hưởng đến chất lượng và tiến độ công việc.
Khi đến hiện trường, suốt quá trình quan trắc, người quan trắc viên lại tất bật với công tác lắp đặt máy móc cho đúng vị trí, phải “canh” giờ cho chuẩn để ghi kết quả quan trắc, nhiều khi vừa hít bụi cùng máy móc, vừa phải tiếp xúc với các hóa chất độc hại trong quá trình quan trắc... Có những buổi quan trắc môi trường không khí, các bạn sẽ phải trực bên máy đo từ sáng tới tối mịt mới hoàn thành công việc. Việc ăn uống, nghỉ ngơi cũng không được đảm bảo.
Các công việc chính của một quan trắc viên môi trường:
- - Tìm hiểu nghiệp vụ , quy định liên quan đến quan trắc môi trường lao động.
- - Thực hiện công việc thuộc bộ phận quan trắc môi trường: đo đạc môi trường, khảo sát, lấy mẫu nước, khí thải, đất, không khí, trầm tích, chất thải rắn...
- - Tham gia việc đánh giá, thẩm định hoạt động dịch vụ quan trắc môi trường;
- - Theo dõi quản lý các trang thiết bị, máy móc về kỹ thuật
- - Làm các báo cáo quan trắc môi trường sau khi thực hiện
Các yêu cầu về kỹ năng:
- - Phù hợp với nam, có sức khỏe tốt, không sợ độ cao, chấp nhận đi công tác thường xuyên.
- - Kỹ năng phân tích, đánh giá, phân tích và xử lý vấn đề.
Các yêu cầu về học vấn:
- Tốt nghiệp chuyên ngành liên quan đến môi trường;
VII. Cán bộ nghiên cứu khoa học
Là mảng công việc thú vị dành cho những bạn thích làm việc trong phòng thí nghiệm, có khả năng viết lách và có tiếng Anh chuyên ngành vững. Trong quá trình học tập, các bạn đã được rèn luyện phương pháp, kỹ năng và tác phong nghiên cứu thường xuyên qua các đồ án môn học, dự án thực tế. Lấy mẫu, phân tích mẫu, ghi chú số liệu,… đều trở thành kỹ năng nghề nghiệp mà bạn sẽ thực hành thường xuyên. Ở Việt Nam, đề tài nghiên cứu thường là nghiên cứu chuyên biệt nhằm xử lý một sản phẩm thải. Với người làm nghiên cứu, học thuật là thế giới vô hạn và đôi khi mình khởi đầu chỉ là con số không...
Nghiên cứu khoa học về môi trường là một chuyên ngành rộng, nó bao gồm rất nhiều các chủ đề khác nhau với sự kết hợp khoa học vật lý, hóa học và sinh học cũng như áp dụng những hiểu biết về môi trường. Mặc dù không đi thực địa nhiều như đội hiện trường, nhưng công việc tại phòng thí nghiệm cũng vất vả, gian nan không kém khi không cố định thời gian.
Môi trường làm việc trong phòng thí nghiệm cũng rất độc hại, thường xuyên tiếp xúc với hóa chất trong quá trình phân tích. Đặc biệt, để kết quả phân tích mẫu được chính xác nhất, trong suốt quá trình làm việc cần có sự tập trung cao độ ngay từ khâu chuẩn bị, chưng cất mẫu; đồng thời, đòi hỏi sự cẩn thận, tỉ mỉ, nắm vững toàn bộ quá trình phân tích
Công việc chính của nhà khoa học môi trường:
- - Nghiên cứu những đặc điểm của các thành phần môi trường tự nhiên hoặc môi trường nhân tạo (khu công nghiệp, đô thị, nông thôn...).
- - Nghiên cứu mối quan hệ và tác động qua lại giữa con người với các thành phần của môi trường sống, từ đó tư vấn cho Nhà nước, các doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế xã hội nhằm hạn chế những tác động xấu tới môi trường mà vẫn có thể đem lại lợi ích…
- - Nghiên cứu các công cụ quản lý môi trường với các biện pháp về kinh tế, cũng như các biện pháp về pháp luật, xã hội, nhằm bảo vệ môi trường và sự phát triển bền vững của vùng, quốc gia cũng như toàn cầu.
- - Tư vấn cho các cơ quan quản lý Nhà nước hoàn thiện chính sách về môi trường sao cho phù hợp với tình hình kinh tế, xã hội, khai thác tài nguyên hợp lý nhất.
- - Là thành viên của các nhà máy với nhiệm vụ tham gia vào quá trình đảm bảo chất lượng môi trường ở địa bàn hoạt động, giúp nhà máy đảm bảo tiêu chuẩn về nước thải, khí thải hay rác thải trước khi thải ra môi trường.
- - Lập đề cương chi tiết và thực hiện các đề tài, dự án, nhiệm vụ, đề án và các đề tài nghiên cứu xử lý và tái sử dụng chất thải,… do trưởng (phó) phòng NCKH hoặc chủ trì đề tài phân công theo đúng chất lượng và thời gian thỏa thuận.
Nếu bạn mong muốn trở thành nhà khoa học, nghiên cứu về môi trường, bạn có thể làm việc tại các trung tâm, các viện nghiên cứu về môi trường trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Khoa học và Công nghệ hoặc các trường đại học, cao đẳng v.v...
VIII. Nhân viên kinh doanh ngành môi trường
Nhân viên kinh doanh có lẽ là ngã rẽ nghề nghiệp ít ai nghĩ đến khi theo học Môi trường, và các bạn sinh viên thường nghĩ đây sẽ chỉ là “công việc tạm thời”, không mấy tự hào khi tốt nghiệp ra trường. Nhưng trên thực tế nhiều người đã chọn làm sale cho các công ty môi trường để vừa sử dụng được kiến thức ngành học vừa thỏa mãn sở thích cá nhân vì công việc khá tự do và họ đã thành công, thậm chí làm giàu bằng nghề sale. Mọi người có thể nghĩ vị trí này trái với ngành được đào tạo.
Hội chợ triển lãm - Nơi nhân viên kinh doanh môi trường làm việc hết sức mình
Tuy công việc là về thương mại nhưng điều kiện tiên quyết để ứng tuyển vào là bạn phải có văn bằng kỹ sư môi trường. Phải có kiến thức về vi sinh môi trường, các công nghệ về xử lý nước thải mới có thể bán được sản phẩm. Người làm sale không chỉ là người giới thiệu sản phẩm mà trước tiên, cần là người tư vấn.
Gặp khách hàng, đi công trình, tìm hiểu và đoán biết họ đang gặp vấn đề môi trường nào, có thể sử dụng giải pháp nào thì sau đó mới giới thiệu sản phẩm phù hợp và thuyết phục khách hàng mua.
Trước khi làm tốt nhân viên kinh doanh môi trường phải am hiểu về các Thiết bị trong ngành môi trường
Thông thường, làm sale môi trường sẽ có 2 hướng tiếp cận cơ bản như sau:
- Hướng tiếp cận 1: Gọi điện trực tiếp:
Gọi điện theo 1 danh sách khách hàng mình tìm kiếm trên mạng hoặc danh sách khách hàng do sếp cung cấp (Không rõ sếp lấy ở đâu có thể bằng mối quan hệ của sếp nên có).
Lần lượt: Đầu tiên là chào hỏi, tiếp theo giới thiệu tên, công ty, các dịch vụ công ty cung cấp... sau đó hỏi thăm về việc thực hiện thủ tục môi trường của đơn vị đó ra sao? Rất nhiều trường hợp các bạn sẽ chỉ trao đổi với khách hàng đc tới đây thôi (vì 1001 lý do, ví dụ: công ty mình không có nhu cầu hẹn bạn khi khác, lúc khác bạn gọi lại bây giờ mình đang bận họp, người phụ trách vấn đề này của bên mình hôm nay anh/chị ấy đi vắng..vv.)
Phần còn lại tất cả những khách hàng sẽ lắng nghe, và những khách hàng này được đánh giá chung là có thể “đang có nhu cầu” hoặc cũng có thể muốn tìm hiểu dịch vụ mà công ty bạn cung cấp... Những khách hàng này bạn sẽ phải hẹn gặp, nên xảy ra 2 trường hợp sau:
TH1: Khách hàng có lắng nghe và trao đổi về các thông tin liên quan nhưng lý do bận không sắp sếp được lịch hẹn và yêu cầu gửi thông tin dịch vụ qua email để "xem xét sau, và có gì sẽ liên hệ" .
TH2: Khách hàng hẹn gặp và xác nhận cuộc hẹn (gồm thời gian, địa điểm cụ thể). Nói chung là đến được TH2 này và để có đc 1 cuộc hẹn với khách hàng cũng là 1 chặng đường khá gian nan. Bởi gặp gỡ họ là một chuyện còn chuyện có hợp tác hay không thì lại là điều hoàn toàn khác. Bạn sẽ phải gặp và đã trao đổi cụ thể với họ, đưa họ xem hồ sơ năng lực công ty, thỏa thuận với họ về giá cả, ưu điểm nhược điểm của công ty, của sản phẩm…. Đây là lúc bạn hoàn toàn thể hiện mọi kỹ năng về chuyên môn và kỹ năng mềm của mình để chốt được hợp đồng.
- Hướng tiếp cận 2:
Đến trực tiếp doanh nghiệp và gõ cửa: Trong bước này, nếu may mắn thì bảo vệ cho vào và gặp được người phụ trách trong công ty đó. Nếu gặp được rồi thì lại trở về tình huống của TH2 ở hướng 1. Còn nếu không may thì coi như chuyến thị trường hôm đó là vô nghĩa. Thế nên làm Sale môi trường cần có “độ lì” nhất định, luôn luôn phải tự nhủ mình rằng "Người này không cần nhưng chắc sẽ có người cần" để bình tâm hơn và không sớm nản lòng.
Theo mình, có 1 cách khá thực tế là các bạn muốn theo đuổi công việc này nên tìm cách làm quen với bên thanh tra môi trường, ban quản lý… hứa cho họ phần trăm rồi cùng kết hợp, như vậy sẽ hiệu quả hơn rất nhiều việc chào mời doanh nghiệp sử dụng dịch vụ của bên mình, mặc dù nó tốt! Ở Việt Nam, nhu cầu của khách hàng (doanh nghiệp) đôi khi không xuất phát từ mong muốn của họ mà có thể phải bị ép từ một số điều chủ quan nào đó tạo áp lực, còn để tự giác làm vì lợi ích của cộng đồng mà thiệt cho họ, thì họ cũng không làm đâu! :)
Công việc chính của một nhân viên kinh doanh môi trường
- - Mở rộng và phát triển mạng lưới khách hàng cho công ty.
- - Chủ động marketing, gọi điện, liên lạc và gặp gỡ các doanh nghiệp để giới thiệu sản phẩm của công ty tới khách hàng, tư vấn các thủ tục, hồ sơ về môi trường, các công trình xử lý môi trường.
- - Tìm kiếm nhu cầu của khách hàng, giải thích, tư vấn và hướng dẫn khách hàng lựa chọn sản phẩm, dịch vụ, đàm phán khách hàng ký kết các hợp đồng;
- - Chăm sóc các khách hàng cũ.
- - Đề ra các kế hoạch bán hàng và các hoạt động dịch vụ đảm bảo kế hoạch và doanh số bán hàng.
Yêu cầu về kỹ năng:
- • Có khả năng tìm kiếm, phân tích, đánh giá khách hàng tiềm năng, nhạy bén với các cơ hội thị trường
- • Khả năng giao tiếp tốt, Kỹ năng truyền đạt, đàm phán thuyết phục khách hàng và chốt hợp đồng
- • Năng động, nhiệt tình, có khả năng làm việc độc lập, hoạch định kế hoạch và chiến lược bán hàng hiệu quả.
- • Kiên trì, nỗ lực và đam mê công việc bán hàng.
- • Chịu khó ra ngoài gặp gỡ và giới thiệu tới khách hàng nhiệt tình và chu đáo, có tinh thần phục vụ khách hàng tốt, xây dựng mạng lưới khách hàng và không ngừng nâng cao doanh số bán hàng.
- • Trung thực, ham học hỏi và cầu tiến, có tinh thần xây dựng cho công ty.
- • Có khả năng chịu được áp lực cao trong công việc
Yêu cầu về học vấn:
• Tốt nghiệp Đại học chuyên ngành môi trường
• Tin học văn phòng cơ bản: làm báo cáo bằng word và excel
IX. Thẩm định dự án trong các cơ quan nhà nước
Là vị trí mà bạn có thể hướng đến khi mong muốn tìm kiếm một công việc trong cơ quan Nhà nước. Để trở thành chuyên viên tại Sở/ Bộ Tài nguyên Môi trường, các bạn sẽ phải thi công chức và đủ điều kiện trúng tuyển.
Sẽ mất thời gian khoảng 6 tháng để chuẩn bị hồ sơ, nộp, ôn thi và thi công chức. Sau khi trúng tuyển, các bạn sẽ có 6 tháng tập sự, 1 năm hợp đồng lao động sau đó mới được ký hợp đồng làm việc không thời hạn. Khác với suy nghĩ của nhiều người, công việc ở Sở/ Bộ không hề nhẹ nhàng.
Ở vị trí chuyên viên thẩm định dự án, bạn phải đi công tác ở ngoài rất nhiều, có lúc 1 tuần đến 4 ngày đi thực trạng. Các bạn sẽ thấy kiến thức học được hầu hết đều được sử dụng vào công việc này. Vì vậy, các bạn hãy từ bỏ suy nghĩ học đủ điểm cho qua, hãy học với tinh thần học để làm. Khi mới vào, các bạn có thể sẽ được giao cho một chồng văn bản pháp luật, ngồi đọc dự án và thẩm định thử. Những người làm trái ngành có thể mất 2 – 3 tháng mới được giao thẩm định dự án còn những người tốt nghiệp đúng chuyên ngành thì chỉ cần khoảng 2 tuần là được giao việc chính thức. Các bạn sẽ phải xem xét, đối chiếu để nhận định quy trình công nghệ trình bày trên văn bản và bản vẽ (về mạng lưới cấp nước, mạng lưới thoát nước, hệ thống nước trong nhà, công nghệ xử lý nước thải,…), bản vẽ và thực tế công trình...
X. Nghiên cứu giảng dạy tại các trường, khoa, viện, trung tâm nghiên cứu và đào tạo chuyên ngành
Để trở thành nhà nghiên cứu, giảng dạy tại các trường, viện, trung tâm nghiên cứu yêu cầu các bạn phải tốt nghiệp thạc sĩ trở lên các chuyên ngành Khoa học môi trường, Công nghệ môi trường.
Các nhà tuyển dụng sẽ luôn ưu tiên các ứng viên tốt nghiệp tại các trường đại học uy tín nước ngoài, có tiềm năng hoặc kinh nghiệm viết bài công bố quốc tế.
Ngoài ra, để chắc chắn hơn nữa, các bạn cần có khả năng nghiên cứu độc lập và kinh nghiệm làm việc thực tế tối thiểu 02 năm tại các công ty lớn, công ty đa quốc gia và doanh nghiệp nước ngoài, và/hoặc có kinh nghiệm giảng dạy trong các lĩnh vực quản lý môi trường và tài nguyên, xử lý chất thải.
Yêu cầu về ngoại ngữ thường là tiếng Anh: IELTS >= 5.5 hoặc tương đương, tin học văn phòng thành thạo, có khả năng truyền đạt thông tin tốt, kinh nghiệm giảng dạy, truyền tải tốt…
TÓM LẠI, CÁC NHÀ MÔI TRƯỜNG CÓ THỂ LÀM VIỆC Ở ĐÂU?
Như đã liệt kê ở trên nhà môi trường có điều kiện làm việc rất đa dạng. Mọi hoạt động sinh hoạt, giải trí, kinh doanh, đặc biệt là sản xuất của con người đều liên quan mật thiết đến môi trường. Bởi vậy, nơi đâu cũng cần đến những nhà môi trường giỏi giang và tâm huyết. Dưới đây là một số địa chỉ làm việc chính mà bạn có thể tham khảo:
- Các cơ quan quản lý Nhà nước:
Trước tiên, bạn có thể làm việc trong các cơ quan quản lý về môi trường của Nhà nước. Hiện nước ta có một hệ thống các cơ quan về môi trường từ trung ương đến địa phương: Bộ Tài nguyên và Môi trường, các cơ quan, viện nghiên cứu trực thuộc Bộ, PhòngTài nguyên & môi trường, các sở tài nguyên môi trường tại các tỉnh, thành phố, các chi cục quản lý môi trường…...
Các cơ quan hành chính các cấp trong cả nước cũng đang hoàn thiện những phòng, ban về tài nguyên và môi trường
- Các cơ quan nghiên cứu về môi trường:
Nếu bạn mong muốn trở thành nhà khoa học, nghiên cứu về môi trường, bạn có thể làm việc tại các trung tâm, các viện nghiên cứu về môi trường trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Khoa học và Công nghệ hoặc các trường đại học, cao đẳng v.v...
- Các nhà máy, doanh nghiệp, xí nghiệp sản xuất:
Các nhà máy, công ty, doanh nghiệp sản xuất như: Nike Việt Nam, Clover Technologies Group,...(các nhà môi trường sẽ làm việc với vai trò kỹ sư môi trường, chuyên viên kỹ thuật bộ phận môi trường: nghiên cứu, tư vấn và xử lý vấn đề môi trường cho đơn vị mình)
- Các công ty thiết kế, tư vấn môi trường
- Trung tâm kỹ thuật, công nghệ môi trường
- Ban quản lý các dự án cải thiện môi trường
Công việc chính là xử lý chất thải tại các khu công nghiệp và khu chế xuất
- Các tổ chức trong nước và quốc tế về môi trường
Hiện nay cũng có rất nhiều các tổ chức quốc tế đưa ra các cơ hội việc làm như UNEP (Nations Environment Program), WHO (World Health Organization), CGIAR (Consultative Group for International Agricultural Research) và rất nhiều các tổ chức môi trường trong nước cũng như các tổ chức phi chính phủ khác như: IUCN Việt Nam, CARE Việt Nam, WWF, ENDA,...
Các tổ chức như vậy là những nơi làm việc khá lý tưởng của nhà môi trường. Tại đây, bạn sẽ có nhiều cơ hội học hỏi, trao đổi kinh nghiệm với bạn bè quốc tế. Bạn cũng sẽ được tham gia vào những chương trình, dự án về môi trường trong phạm vi quốc gia, khu vực và quốc tế, được đi tới nhiều nơi, mở rộng tầm hiểu biết và cả kiến thức, kỹ năng chuyên môn của mình.
- - Các trường đại học, cao đẳng có chuyên ngành về môi trường: Trở thành giảng viên giảng dạy về lĩnh vực tài nguyên môi trường và sinh thái học.
- - Các hiệp hội, các tổ chức phi chính phủ (NGO) hoạt động trong lĩnh vực tài nguyên môi trường
- - Hoặc có thể khởi nghiệp từ các doanh nghiệp tư vấn môi trường quy mô nhỏ phục vụ trực tiếp cộng đồng.
- - Các trung tâm về bảo tồn, quản lý khai thác tài nguyên thiên nhiên.
- - Các khu công nghiệp, các nhà máy xử lý chất thải, các trạm quan trắc môi trường, các nhà máy có hệ thống quản lý môi trường và an toàn lao động…
- - Chuyên viên tại các nhà máy xử lý chất thải, công ty cấp thoát nước, trạm quan trắc về môi trường.
Kinh nghiệm các bước đi đối với sinh viên môi trường
Tổng kết lại, nếu bạn muốn theo học ngành kỹ thuật môi trường hay còn là một sinh viên còn ngồi trên ghế giảng đường, hãy cố gắng học hỏi, tích lũy cho mình những kiến thức, kỹ năng cần thiết để chuẩn bị hành trang trở thành một nhân viên môi trường. Đặc biệt, với những bạn nào có khả năng ngoại ngữ tốt sẽ được học hỏi từ các chuyên gia nước ngoài, có nhiều cơ hội phát triển nghề nghiệp và được tuyển dụng với một mức lương hấp dẫn hơn.
Kinh nghiệm làm việc phải được tích lũy từ thời sinh viên. Không ít bạn tốt nghiệp và cảm thấy khó khăn khi tìm việc vì yêu cầu của các tổ chức, doanh nghiệp về số năm kinh nghiệm.
Theo cá nhân mình, ngay từ năm 3, khi đã học một số môn chuyên ngành, các bạn có thể chuẩn bị một đôi giày, một áo phát quang, một nón bảo hộ và liên hệ với các anh chị cựu sinh viên. Các bạn sẽ được tạo điều kiện để “lăn lê” ở các công trình khác nhau.
Các bạn cũng có thể xin theo thầy cô thực hiện các dự án; Thầy cô “kêu đâu” thì “đánh đó”. Làm và học cùng các anh chị, các Thầy cô, các bạn sẽ được hướng dẫn những điều nhỏ nhất như cách nói chuyện, viết lách, trình bày, sắp xếp dữ liệu, làm báo cáo, phân tích mẫu, quan sát mặt bằng, khảo sát thực trạng,…
Đi nhiều, làm nhiều, các bạn sẽ dần giỏi lên. Khi tốt nghiệp, các bạn có thể chắc chắn mình đã có 1 – 2 năm kinh nghiệm.
Thái độ là yếu tố các bạn còn thiếu chứ không phải kiến thức, kỹ năng. Một số bạn khi nộp hồ sơ ứng tuyển khá tự tin với bảng CV đẹp; nghĩ rằng bằng cấp như vậy thì mình phải yêu cầu mức lương tương xứng; chưa có thái độ khiêm tốn. Riêng trong lĩnh vực môi trường thì không. Lĩnh vực này cần nhiều kinh nghiệm thực tế.
Do đó, các bạn cần ý thức rằng đi làm cũng là đi học, lương chưa cao vì các bạn cũng cần trả phí đào tạo cho doanh nghiệp. Một khi các bạn tích lũy đủ kinh nghiệm, cứng tay về kỹ thuật thì doanh nghiệp tự tìm cách “giữ” bạn làm việc cho mình bằng cách trả lương tương xứng. Và nếu đủ năng lực, các bạn sẽ được quyền lựa chọn vị trí công việc, chỗ làm chứ không hẳn chỉ là có việc làm.
Bên cạnh đó, thực tế cho thấy nhiều bạn khi mới đi làm sợ làm sai, sợ bị đánh giá năng lực vì vậy mà ngại nhận việc khó, ngại nhận lỗi và nhường việc cho người khác làm. Có làm mới biết, mới hiểu và người quản lý luôn ý thức đào tạo các bạn nên sẽ không “bắt lỗi” mà phủ định hoàn toàn khả năng của các bạn.
Các bạn cũng cần có thái độ “chấp nhận” công việc. Khi đi làm, các bạn sẽ cảm nhận rõ ràng mình “khác người”: gắn với những bộ quần áo bảo hộ lao động nhiều hơn là quần áo thanh lịch; mang găng tay, đeo khẩu trang, mùi chất thải bám thường xuyên nên trang điểm cũng chẳng để ai nhìn, nước hoa cũng không lấn nổi mùi đặc trưng; sẵn sàng nhặt rác, lấy nước thải ở các bãi tập kết chất thải như săn tìm vàng;…
Các câu hỏi thường được hỏi khi phỏng vấn:
- - Em hãy tự giới thiệu về mình. Em hãy nêu những điểm mạnh và điểm yếu của mình.
- - Em hiểu biết gì về lĩnh vực, ngành nghề dịch vụ môi trường, về công ty, về vị trí nhân viên tư vấn môi trường?
- - Vì sao em ứng tuyển vào vị trí này? Vì sao em cho mình có thể làm tốt công việc này?
- - Em có thể dự đoán được những khó khăn thử thách nào mình phải vượt qua khi làm việc ở vị trí này?
- - Em có câu hỏi gì về vị trí ứng tuyển và về công ty không?
Bạn nên lưu ý, nhà tuyển dụng không chỉ chú trọng vào nội dung câu trả lời của bạn mà còn quan sát cách ứng xử, thái độ, giọng nói, tác phong, cách ăn mặc của ứng viên để đánh giá chung về mức độ phù hợp của bạn với công việc.
Về việc thiếu kinh nghiệm, bạn đừng quá lo ngại vì khi chấp nhận tuyển sinh viên mới ra trường, nhà tuyển dụng đã chấp nhận đào tạo từ đầu và cho bạn cơ hội học hỏi, thực hành qua công việc.
Tất cả các ngành nghề đều có người làm giàu được và có người không kiếm sống được. Ngành Môi trường không thuộc lĩnh vực kinh doanh, kinh tế, cũng chẳng phải ngành để làm giàu. Tuy nhiên, bạn hoàn toàn có thể kiếm ra (nhiều) tiền bằng việc kiến tạo, tìm ra những giải pháp mới và tối ưu cho quá trình xử lý môi trường.
Trên đây mình đã tổng hợp tất cả câu trả lời cho các câu hỏi Kỹ sư môi trường làm gì? Nhân viên môi trường làm gì? Hy vọng góp phần định hướng nghề nghiệp tương lai cho các bạn.